Chế độ thai sản 2021 – Cách tính tiền thai sản

Chế độ hưởng thai sản 2021 mới nhất: Điều kiện hưởng chế độ thai sản, cách tính chế độ thai sản, thủ tục hồ sơ hưởng chế độ thai sản 2021 theo quy định mới nhất.

– Căn cứ theo Luật BHXH – Luật số 58/2014/QH13, Nghị định 115/2015/NĐ-CP, Quyết định 166/QĐ-BHXH, Quyết định 222/QĐ-BHXH.
– Căn cứ theo Mục 2 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ lao động thương binh xã hội quy định cụ thể đối với chế độ thai sản như sau:

Lưu ý: Bài viết này Kế toán Thiên Ưng chỉ tổng hợp các quy định đối với Lao động nữ sinh con, nhận nuôi con đang đóng BHXH. Còn các chế độ, thủ tục các trường hợp khác các bạn xem tại Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH nhé.

Chế độ thai sản 2021

————————————————————————————————
 

Điều kiện hưởng chế độ thai sản năm 2021:

A. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Lao động nữ mang thai;
– Lao động nữ sinh con;
– Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
– Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
– Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
– Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

Chú ý:
Các trường hợp sau: 
– Lao động nữ sinh con;
– Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; 
– Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi.

=>
 Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi sẽ được hưởng chế độ thai sản

 
Lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

-> Người lao động đủ 2 điều kiện nêu trên mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định

——————————————————————-
 

Cách xác định: Thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, như sau:

+) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

+) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng BHXH, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng BHXH thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.

Ví dụ 1: Chị Nguyễn Thị Vân sinh con ngày 18/01/2021 và tháng 01/2021 có đóng BHXH.
-> Thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 02/2020 đến tháng 01/2021.
– Nếu trong thời gian này chị Vân đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lênhoặc từ đủ 3 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì chị Vân 
được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Ví dụ 2: Tháng 8/2021, chị Đặng Thị Nhung chấm dứt hợp đồng lao động và sinh con ngày 14/12/2021.
-> Thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 12/2020 đến tháng 11/2021.
– Nếu trong thời gian này chị Nhung đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lênhoặc từ đủ 3 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì chị Nhung 
được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
 

Xem thêm:  Nghỉ việc trước khi sinh có được hưởng chế độ thai sản

————————————————————————————————–

B. Điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi sinh con được hướng dẫn cụ thể như sau:

– Đối với trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH thì cha phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;
– Đối với người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con.

————————————————————————————————–
 

Thủ tục hồ sơ hưởng chế độ thai sản 2021:

Căn cứ theo Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH, Quyết định 222/QĐ-BHXH quy định:

1. Người lao động cần chuẩn bị (tuỳ từng trường hợp nhé):

a) Lao động nữ sinh con cần:
– Bản sao Giấy khai sinh hoặc Trích lục khai sinh hoặc bản sao Giấy chứng sinh của con.

+) Trường hợp con chết sau khi sinh:
– Bản sao Giấy khai sinh hoặc Trích lục khai sinh hoặc bản sao Giấy chứng sinh của con, bản sao Giấy chứng tử hoặc Trích lục khai tử hoặc bản sao Giấy báo tử của con;
    Trường hợp con chết ngay sau khi sinh mà chưa được cấp Giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc Giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.

+) Trường hợp người mẹ hoặc lao động nữ mang thai hộ chết sau khi sinh con thì có thêm bản sao Giấy chứng tử hoặc Trích lục khai tử của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ.

+) Trường hợp người mẹ sau khi sinh hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ sau khi nhận con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con thì có thêm Biên bản GĐYK của người mẹ, người mẹ nhờ mang thai hộ.

+) Trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật BHXH số 58/2014/QH13 thì có thêm một trong các giấy tờ sau:
  + Trường hợp điều trị nội trú:
Bản sao Giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.
  + Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.
  + Trường hợp phải GĐYK: Biên bản GĐYK.

+) Trường hợp lao động nữ mang thai hộ sinh con hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ nhận con thì có thêm bản sao bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 96 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;
  –
Văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ.

—————————————————————
 

b) Trường hợp NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi:
– Bản sao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi.

——————————————————————-
 

c) Lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý; NLĐ thực hiện biện pháp tránh thai:
+) Trường hợp điều trị nội trú:
 
– Bản sao Giấy ra viện của NLĐ; trường hợp chuyển tuyến KCB trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm Bản sao Giấy chuyển tuyến hoặc Giấy chuyển viện.

+) Trường hợp điều trị ngoại trú:
  – Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; hoặc bản sao Giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

————————————————————————–
 

d) Trường hợp lao động nam hoặc người chồng của lao động nữ mang thai hộ nghỉ việc khi vợ sinh con:
 – Bản sao Giấy chứng sinh hoặc Bản sao giấy khai sinh hoặc Trích lục khai sinh của con;

+) Trường hợp sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi mà Giấy chứng sinh không thể hiện thì có thêm giấy tờ của cơ sở KCB thể hiện việc sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.
+) Trường hợp con chết ngay sau khi sinh mà chưa được cấp Giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.

———————————————————————–
 

đ) Lao động nam hoặc người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con:
– Bản sao Giấy chứng sinh hoặc bản sao Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh của con.

+) Trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp Giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc bản sao Giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.
+) Trường hợp lao động nam đồng thời hưởngchế độ do nghỉ việc khi vợ sinh con hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con thì tiếp nhận một lần hồ sơ như nêu tại tiết d bên trên.

——————————————————————————

2. Doanh nghiệp cần chuẩn bị:

Bản chính Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK (Mẫu 01B-HSB).

– Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

Trình tự thực hiện:
 
Bước 1:Người lao động:
– Nộp hồ sơ cho Doanh nghiệp (hồ sơ theo quy định bên trên). Thời hạn không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.
 
Bước 2: Doanh nghiệp:
– Tiếp nhận hồ sơ từ người lao động;
– Lập Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK (mẫu 01B-HSB)
trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định -> Nộp cho cơ quan BHXH nơi Doanh nghiệp đóng BHXH.

Doanh nghiệp nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH bằng một trong 3 hình thức sau:
Thông qua giao dịch điện tử: đơn vị SDLĐ lập hồ sơ điện tử, ký số và gửi lên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc qua tổ chức I-VAN;
   Trường hợp không chuyển hồ sơ giấy sang định dạng điện tử thì gửi hồ sơ giấy đến cơ quan BHXH qua dịch vụ bưu chính công ích.
    Bước 1: Nộp hồ sơ qua điện tử.
    Bước 2:In tờ khai đã nộp qua điện tử và giấy khai sinh (hoặc chứng sinh) để nộp qua đường bưu điện cho cơ quan BHXH.

 

– Thông qua dịch vụ bưu chính công ích;

– Trực tiếp tại cơ quan BHXH.

Thời hạn giải quyết :
Nhận hồ sơ từ đơn vị Doanh nghiệp:
Tối đa 06 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ theo quy định.
– Nhận hồ sơ từ người hưởng: Tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

————————————————————————–
 

Chi tiết về thủ tục hồ sơ hưởng chế độ thai sản các bạn xem tại đây nhé:

 Thủ tục làm hồ sơ hưởng chế độ thai sản

———————————————————————————————-
 

Thời gian hưởng chế độ thai sản năm 2021:

a. Thời gian hưởng chế độ khi khám thai:
– Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày;
– Trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.

b. Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý
– Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
– Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:
    a) 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
    b) 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
    c) 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;
    d) 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

c. Thời gian hưởng chế độ khi sinh con:
– Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con 06 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
– Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản
trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

Lưu ý: Trong thời gian lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh mà thai chết lưu, nếu lao động nữ đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật BHXH thì ngoài chế độ thai sản đối với thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ quy định tại Điều 33 của Luật BHXH tính từ thời điểm thai chết lưu.

Ví dụ 3: Chị C liên tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được 3 năm, mang thai đến tháng thứ 8 thì nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, một tháng sau khi nghỉ việc thì thai bị chết lưu. Như vậy, chị C ngoài việc được hưởng chế độ thai sản cho đến khi thai chết lưu, còn được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền nhưng tối đa không quá 50 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

c.1, Lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
– 05 ngày làm việc;
– 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
– Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
– Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
– Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

Chi tiết: Chế độ thai sản cho nam giới khi vợ sinh con

c.2. Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều này; thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.

d. Thời gian hưởng chế độ khi nhận nuôi con nuôi
– Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định thì chỉ cha hoặc mẹ được nghỉ việc hưởng chế độ.

e. Thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai
– Khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì người lao động được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:
a) 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai;
b) 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.

f. Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi
– Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
– Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

Từ ngày 1/7/2017: Mức lương cơ sở là: 1.300.000 đ/ tháng
– Từ ngày 1/7/2018:
Mức lương cơ sở là: 1.390.000đ/ tháng

– Từ ngày 1/7/2019: Mức lương cơ sở là: 1.490.000đ/ tháng
– Từ ngày 1/7/2020: Mức lương cơ sở là: 1.490.000 đ/ tháng
– Từ ngày 1/7/2021: Mức lương cơ sở là: 1.490.000 đ/ tháng

Lưu ý: Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

 ——————————————————————————-
 

5. Mức hưởng chế độ thai sản năm 2021:

– Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của6 tháng liền kề gần nhấttrước khi nghỉ việc. Nếu thời gian đóng BHXH không liên tục thì được cộng dồn.

– Trường hợp lao động nữ đi làm cho đến thời điểm sinh con mà tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc, bao gồm cả tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Ví dụ 4:Chị Lâm Phương Mai sinh con vào ngày 16/3/2021, có quá trình đóng BHXH như sau:
– Từ tháng 10/2020 đến tháng 01/2021 (4 tháng) đóng BHXH với mức lương
5.000.000 đồng/tháng;
– Từ tháng 02/2021 đến tháng 3/2021 (2 tháng) đóng BHXH với mức lương
6.500.000 đồng/tháng.
 
=> Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của chị Mai được tính như sau:

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc = (5.000.000 x 4) + (6.500.000 x 2)
6
  = 5.500.000 (đồng/tháng)

Như vậy: Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc để làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản của chị Mai là 5.500.000 đồng/tháng.

Ví dụ 5: Chị Hoàng Thị Oanh sinh con ngày 13/5/2021 (thuộc trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền), có quá trình đóng BHXH như sau:
– Từ tháng 5/2018 đến tháng 4/2020 (24 tháng) đóng BHXH 
với mức lương 8.500.000 đồng/tháng;
– Từ tháng 5/2020 đến tháng 8/2020 (4 tháng) đóng BHXH 
với mức lương 7.000.000 đồng/tháng;
– Từ tháng 9/2020 đến tháng 4/2021 (8 tháng), nghỉ dưỡng thai, không đóng BHXH.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của chị Oanh được tính như sau:

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc = (7.000.000 x 4) + (8.500.000 x 2)
6
  = 7.500.000 (đồng/tháng)

Như vậy: Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc để làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản của chị Oanh là 7.500.000 đồng/tháng.

———————————————————————————————-

Mức hưởng chế độ thai sản 2021 như sau:

– Trường hợp Sinh con hoặc nhận nuôi con dưới 6 tháng tuổi thì mức hưởng chế độ thai sản 2021 như sau:

1. Trợ cấp 1 lần cho mỗi con = 02 lần mức lương cơ sở.
– Mức lương cơ sở năm 2021 là:
 1.490.000đ/ tháng

= (2 x 1.490.000 = 2.980.000)
 

2. Mức hưởng 6 tháng = 100% mức Lương bình quân đóng BHXH 6 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc.
VD: Bạn tham gia BHXH với mức lương là 5.000.000đ/tháng -> Thì mức hưởng chế độ thai sản sẽ là = 5.000.000 x 6 = 30.000.000.

=> Tổng 2 khoản là: 30.000.000 + 2.980.000 = 32.980.000
 

 

– Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng như trên, trường hợp có ngày lẻ thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.

– Mức hưởng một ngày đối với chế độ khám thai và Lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;

– Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng BHXH, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH

Xem thêm:  Cách hạch toán tiền trợ cấp thai sản

——————————————————————————————————

6. Dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản:

– Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.

– Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.

– Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định.

Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:
    a) Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;
    b) Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;
    c) Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.

– Lao động nữ đủ điều kiện nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong năm nào thì thời gian nghỉ việc hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được tính cho năm đó.

Ví dụ 6: Chị Th đang tham gia BHXH bắt buộc, ngày 15/12/2020 trở lại làm việc sau thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con, đến ngày 10/01/2021 do sức khỏe chưa phục hồi nên chị Th được cơ quan giải quyết nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 05 ngày.
– Trường hợp chị Th được nghỉ việc hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 05 ngày và thời gian nghỉ này được tính cho năm 2020.

Mức hưởng:
Một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

—————————————————————————————————
 

Trên đây là tổng hợp chế độ thai sản đối với lao động sinh con và nhận nuôi con, chi tiết các trường hợp khác, các bạn có thể xem chi tiết tại Luật Bảo hiểm xã hội– Luật số 58, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016).

Xem thêm:  Quy định về bảo hiểm xã hôi, BHYT, BHTN

__________________________________________________

Các bạn muốn học thực hành làm kế toán tổng hợp trên chứng từ thực tế, thực hành xử lý các nghiệp vụ hạch toán, tính thuế, kê khai thuế GTGT. TNCN, TNDN… tính lương, trích khấu hao TSCĐ….lập báo cáo tài chính, quyết toán thuế cuối năm … thì có thể tham gia: Lớp học kế toán thực hành thực tế tại Kế toán Thiên Ưng

———————————————————————————————————-