Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn (“Nghị định 125”), bắt đầu có hiệu lực từ ngày 05/12/2020.
Trong bải viết này, Yêu Kế Toán tóm tắt một số nội dung chính cũng như những thay đổi quan trọng của Nghị định 125 và Công văn 4848 để các bạn tham khảo.
Mục đích ban hành Nghị định 125 bao gồm:
• Nâng cao ý thức tuân thủ và tự giác chấp hành pháp luật về thuế;
• Thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong xử lý vi phạm hành chính;
• Xử lý những hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn điện tử dự kiến sẽ phát sinh trong thời gian tới khi triển khai
thực hiện hóa đơn điện tử trên diện rộng; và
• Giải quyết những tồn tại, hạn chế bất cập của các quy định về xử lý vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn hiện hành còn
vướng mắc.
Kể từ ngày Nghị định 125 có hiệu lực thi hành, các quy định sau hết hiệu lực thi hành:
• Chương I (Xử lý vi phạm hành chính về thuế) và Chương III (Hiệu lực thi hành) Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013;
và
• Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013, Thông tư số 10/2014/TT-BTC ngày 17/01/2014 và Thông tư số 176/2016/TTBTC ngày 31/10/2016 của Bộ Tài chính về xử phạt vi phạm hành chính về thuế.
Phạm vi điều chỉnh
Quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và một số thủ tục xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
Không áp dụng đối với:
- Vi phạm hành chính về phí, lệ phí;
- Vi phạm hành chính về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do cơ quan Hải quan quản lý thu; và
- Vi phạm quy định về thủ tục đăng ký thuế, vi phạm quy định về thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh, thông báo tiếp tục hoạt động kinh doanh trước thời hạn với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Các khái niệm chính
- Vi phạm hành chính về thuế là hành vi có lỗi do tổ chức, cá nhân thực hiện vi phạm quy định của pháp luật về quản lý thuế, pháp luật về thuế và các khoản thu khác mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
- Vi phạm hành chính về hóa đơn là hành vi có lỗi do tổ chức, cá nhân thực hiện vi phạm quy định của pháp luật về hóa đơn mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
- Bổ sung giải thích từ ngữ đối với: “Vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp”, “Vụ việc đặc biệt nghiêm trọng”, “Ngày phát hiện hành vi vi phạm”.
Đối tượng xử phạt
- Bổ sung quy định khi bên được ủy quyền phải thực hiện thay nghĩa vụ đăng ký, kê khai, nộp thuế của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế
- Ví dụ: nhà thầu nước ngoài phát sinh nghĩa vụ nộp thuế ở Việt Nam: nếu bên được ủy quyền có hành vi vi phạm quy định tại Nghị định 125 thì tổ chức, cá nhân được ủy quyền là đối tượng bị xử phạt (Khoản 1, Điều 3).
- Quy định chi tiết các đối tượng bị xử phạt là tổ chức, bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh trực tiếp kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn.
Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ
- Bổ sung quy định rõ về tình tiết tăng nặng vi phạm hành chính thuế quy mô lớn là vi phạm với số tiền thuế từ 100 triệu đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa, dịch vụ từ 500 triệu đồng trở lên (Khoản 2, Điều 6).
- Bổ sung quy định rõ về tình tiết tăng nặng vi phạm hành chính về hóa đơn có quy mô lớn là vi phạm hành chính từ 10 số hóa đơn trở lên (Khoản 2, Điều 6).
Thời hạn truy thu thuế
- Sửa đổi, bổ sung quy định đối với thời hạn truy thu thuế 10 năm trở về trước (kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm) chỉ áp dụng đối với khoản thuế và khoản thu khác do tổ chức, cá nhân tự khai, tự nộp vào ngân sách Nhà nước.
- Riêng khoản thu từ đất đai hoặc khoản thu khác do cơ quan có thẩm quyền xác định nghĩa vụ tài chính thì thời hạn truy thu thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.
Các trường hợp không xử phạt
- Bổ sung quy định chi tiết: trường hợp người nộp thuế chậm thực hiện thủ tục thuế, hóa đơn bằng phương thức điện tử do sự cố kỹ thuật của hệ thống công nghệ thông tin được thông báo trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan Thuế, thì thuộc sự kiện bất khả kháng (Khoản 1, Điều 9).
- Bổ sung 02 trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về thuế (Điều 9) gồm: – Hành vi vi phạm hành chính do thực hiện theo văn bản hướng dẫn, quyết định của cơ quan Thuế, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có liên quan; – Hành vi vi phạm thủ tục thuế đối với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế Thu nhập cá nhân, chậm nộp hồ sơ quyết toán mà có phát sinh số thuế được hoàn; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã bị ấn định thuế theo quy định tại Điều 51, luật Quản lý thuế.
- Bổ sung quy định không áp dụng xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn thông báo thay đổi thông tin trong đăng ký thuế tại Khoản 6, Điều 11 đối với một số trường hợp cụ thể.
Nâng mức phạt tiền chung đối với một số nhóm hành vi vi phạm thủ tục thuế
Nhóm hành vi vi phạm quy định về thời hạn đăng ký thuế (Điều 10, 11): Nhóm hành vi này được thiết kế mức xử phạt theo mức độ tăng dần theo số ngày nộp chậm hồ sơ đăng ký thuế, thông báo quy định về thời hạn đăng ký thuế, thời hạn thông báo ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước hạn, với mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng (Điều 10) và từ 500 nghìn đồng đến 7 triệu đồng (Điều 11); tăng từ 2 – 4 lần mức phạt trung bình trước đây;
Nhóm hành vi khai sai, khai không đầy đủ nội dung trong hồ sơ khai thuế nhưng không dẫn tới thiếu số thuế phải nộp (Điều 12): Nhóm hành vi này có mức phạt tiền tối thiểu là 500.000 đồng, mức phạt tiền tối đa là 12 triệu đồng; tăng hơn 2,5 lần mức phạt trung bình trước đây;
Nhóm hành vi chậm nộp hồ sơ thuế (Điều 13): Nhóm hành vi này có mức phạt tiền tối thiểu là 2 triệu đồng, mức tối đa là 25 triệu đồng; tăng 4 lần mức phạt trung bình trước đây; Chú ý: Hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá 90 ngày thuộc hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách Nhà nước trước khi cơ quan Thuế công bố quyết định thanh tra hoặc trước khi lập biên bản thì không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng bị xử phạt với mức tiền phạt từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng
Nhóm hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin (Điều 14, 15): Nhóm hành vi này có mức phạt tiền tối thiểu là 2 triệu đồng, mức tối đa là 10 triệu đồng; tăng từ 1 – 2 lần mức phạt trung bình trước đây;
Nhóm hành vi khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được miễn, giảm, hoàn (Điều 16):
– Sửa đổi quy định về khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được miễn, giảm, hoàn: cụ thể, quy định rõ “khai sai căn cứ tính thuế hoặc số tiền thuế được khấu trừ hoặc xác định sai trường hợp được miễn, giảm, hoàn”;
– Sửa đổi quy định về xử phạt hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế nhưng người nộp thuế đã tự giác khắc phục hậu quả, cụ thể, người nộp thuế đã khắc phục trước thời điểm cơ quan Thuế kết thúc thời hạn thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế thì sẽ không thuộc trường hợp xử phạt quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 16;
– Bổ sung trường hợp xử phạt về hành vi khai sai đối với giao dịch liên kết nhưng người nộp thuế đã lập hồ sơ xác định giá thị trường hoặc đã lập và gửi cơ quan Thuế các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Nhóm hành vi trốn thuế (Điều 17): sửa đổi quy định áp dụng chung mức phạt tiền cho cả cá nhân và tổ chức có hành vi trốn thuế.
Hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả
- Bỏ quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về tự in hóa đơn, khởi tạo hóa đơn điện tử;
- Điều chỉnh giảm mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về mất, cháy, hỏng hóa đơn trước khi thông báo phát hành hoặc hóa đơn mua của cơ quan Thuế nhưng chưa lập (Khoản 2, 3 Điều 25): điều chỉnh giảm từ 5 triệu đến 18 triệu đồng xuống còn từ 1 triệu đồng đến 8 triệu đồng.
Bổ sung một số hành vi vi phạm về hóa đơn điện tử để xử phạt
- Vi phạm quy định về tiêu hủy hóa đơn, lập hóa đơn điện tử từ máy tính tiền không có kết nối, chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan Thuế;
- Chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan Thuế quá thời hạn quy định;
- Chuyển bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử không đầy đủ số lượng hóa đơn đã lập trong kỳ;
- Cung cấp phần mềm hóa đơn điện tử không đảm bảo nguyên tắc theo quy định của pháp luật về hóa đơn. Bổ sung một số biện pháp khắc phục hậu quả
- Buộc tiêu hủy hóa đơn (Điều 27);
- Buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính (Điều 22).
Bổ sung một số quy định về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn
- Bổ sung quy định về lập biên bản vi phạm hành chính và biên bản vi phạm hành chính điện tử (trong đó, không bắt buộc phải có chữ ký của tổ chức, cá nhân vi phạm).
- Bổ sung quy định về các trường hợp được quyền giải trình vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn gồm: hành vi vi phạm được phát hiện thông qua thanh tra, kiểm tra thuế hoặc các trường hợp lập biên bản vi phạm hành chính điện tử; một số hành vi vi phạm hành chính khác theo quy định tại Nghị định 125.
- Bổ sung quy định về giao, gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn bằng phương thức điện tử đối với trường hợp tổ chức, cá nhân bị xử phạt đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.