Hướng dẫn cách hạch toán Tài khoản 911 theo thông tư 133, Cách hạch toán kết chuyển doanh thu bán hàng, tài chính, kết chuyển chi phí giá vốn, quản lý kinh doanh, chi phí thuế TNDN, kết chuyển lợi nhuận sau thuế …
1. Nguyên tắc kế toán Tài khoản 911 – Xác định kết quả kinh doanh
a) Tài khoản này dùng để xác định và phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh và các hoạt động khác của doanh nghiệp trong một kỳ kế toán. Kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm: Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, kết quả hoạt động tài chính và kết quả hoạt động khác.
– Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh là số chênh lệch giữa doanh thu thuần và trị giá vốn hàng bán (gồm cả sản phẩm, hàng hóa, bất động sản đầu tư và dịch vụ, giá thành sản xuất của sản phẩm xây lắp, chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản đầu tư, như: chi phí khấu hao, chi phí sửa chữa, nâng cấp, chi phí cho thuê hoạt động, chi phí thanh lý, nhượng bán bất động sản đầu tư), chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.
– Kết quả hoạt động tài chính là số chênh lệch giữa thu nhập của hoạt động tài chính và chi phí hoạt động tài chính.
– Kết quả hoạt động khác là số chênh lệch giữa các khoản thu nhập khác và các khoản chi phí khác và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp.
b) Tài khoản này phải phản ánh đầy đủ, chính xác kết quả hoạt động kinh doanh của kỳ kế toán. Kết quả hoạt động kinh doanh phải được hạch toán chi tiết theo từng loại hoạt động (hoạt động sản xuất, chế biến, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, hoạt động tài chính…). Trong từng loại hoạt động kinh doanh có thể cần hạch toán chi tiết cho từng loại sản phẩm, từng ngành hàng, từng loại dịch vụ.
c) Các khoản doanh thu và thu nhập được kết chuyển vào tài khoản này là số doanh thu thuần và thu nhập thuần.
2. Kết cấu và nội dung Tài khoản 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Bên Nợ:
– Trị giá vốn của sản phẩm, hàng hóa, bất động sản đầu tư và dịch vụ đã bán;
– Chi phí hoạt động tài chính, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp và chi phí khác;
– Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp;
– Kết chuyển lãi.
Bên Có:
– Doanh thu thuần về số sản phẩm, hàng hóa, bất động sản đầu tư và dịch vụ đã bán trong kỳ;
– Doanh thu hoạt động tài chính, các khoản thu nhập khác và khoản kết chuyển giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp;
– Kết chuyển lỗ.
Tài khoản 911 không có số dư cuối kỳ.
3. Cách hạch toán xác định kết quả kinh doanh Tài khoản 911:
a) Cuối kỳ kế toán, thực hiện việc kết chuyển số doanh thu bán hàng thuần vào tài khoản Xác định kết quả kinh doanh, ghi:
Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
b) Kết chuyển trị giá vốn của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã tiêu thụ trong kỳ, ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.
c) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển doanh thu hoạt động tài chính và các khoản thu nhập khác, ghi:
Nợ TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính
Nợ TK 711 – Thu nhập khác
Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
d) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển chi phí hoạt động tài chính và các khoản chi phí khác, ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 635 – Chi phí tài chính
Có TK 811 – Chi phí khác.
đ) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển chi phí quản lý kinh doanh phát sinh trong kỳ, ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 642 – Chi phí quản lý kinh doanh.
e) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 821 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp.
g) Kết chuyển kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối:
– Kết chuyển lãi, ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
– Kết chuyển lỗ, ghi:
Nợ TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
————————————————–
Kế toán Thiên Ưng Chúc các bạn thành công! Bạn muốn học cách kê khai thuế, tính thuế, xác định chi phí được trừ, không được trừ, hoàn thiện sổ sách, Lập tờ khai Quyết toán thuế TNDN, TNCN, Lập Báo cáo tài chính thực tế chuyên sâu… Có thể tham gia: Lớp học kế toán thực hành.